Xây dựng và phát triển ngành cơ khí nông nghiệp, nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị cơ khí trong nước là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, chế biến nông sản từ đó nâng cao năng lực cạnh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo cơ khí nông nghiệp thông minh cho Đồng bằng sông Cửu Long do UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 27/9.
Tiến sĩ Trần Anh Sơn, Phó trưởng khoa Khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, biến đổi khí hậu, hiện tượng nước biển dâng và xâm nhập mặn làm thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp, có nguy cơ thay đổi một cách căn bản cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi đó, các mô hình nuôi trồng và sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Điển hình là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, chưa theo quy hoạch và bảo quản nông sản chưa tốt. Vì vậy, năng suất và chất lượng sản phẩm không đồng đều, làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cụ thể trong trồng lúa, do máy móc thiết bị nhập ngoại có giá thành cao nên hầu hết người dân chấp nhận sử dụng máy cày, máy kéo cũ đã qua sử dụng tiêu hao nhiều nhiên liệu, hoạt động không ổn định. Khâu thu hoạch lúa cũng gặp khó khăn do công nghệ thô sơ. Tổn thất sau thu hoạch lúa vẫn ở mức 13-14% về số lượng và hơn 12% về giá trị. Trong khi đó với ngành sản xuất trái cây, công nghệ chế biến lạc hậu cũng ảnh hưởng tới chất lượng trái cây, rau củ.
Các dây chuyền chế biến hoạt động chưa đồng bộ, có khâu được tự động hóa song vẫn tồn tại nhiều khâu thao tác bằng thủ công như ngâm rửa, gọt vỏ, phân loại và đóng bao bì, khả năng truy xuất nguồn gốc thấp. Tương tự với ngành nuôi trồng thủy sản, Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích nuôi trồng rất lớn nhưng trình độ, trang thiết bị sản xuất còn nhiều hạn chế cả về khâu nuôi, thu hoạch, chế biến và xử lý môi trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp rất quan trọng để nâng cao năng suất, nhưng ngành công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng. Hiện nay, phần lớn máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp đều phải nhập khẩu từ nước ngoài do ngành chế tạo máy phục vụ nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều bất cập, ít doanh nghiệp đầu tàu, nhân lực còn thiếu và yếu, năng lực thấp, giá thành cao, tổ chức thị trường chưa xứng tầm với quy mô nền nông nghiệp quốc gia.
Riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, việc thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Lý do là các chuỗi giá trị nông sản chưa hình thành, chuỗi liên kết còn chưa chặt chẽ với các nhà phân phối, thị trường tiêu thụ quốc tế; đất sản xuất còn phân bổ manh mún, trong khi đó quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa đồng bộ về thủ tục pháp lý. Cùng với đó, Tây Nam bộ trong thời gian dài vẫn còn là “vùng trũng” của cả nước về giáo dục, về ứng dụng khoa học, công nghệ vào đời sống.
Những khó khăn trên, cộng với việc khung pháp lý ưu đãi về đầu tư công nghệ nói chung, trong nông nghiệp định hướng công nghệ cao nói riêng chưa hoàn chỉnh, các doanh nghiệp còn nhiều e ngại khi đầu tư vào máy móc, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó cơ chế phối hợp giữa các địa phương, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng còn nhiều hạn chế.
Theo các chuyên gia, phần lớn tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam cho đến nay đều dựa vào mở rộng sản xuất hoặc tăng cường sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên khác, cũng như sử dụng khá nhiều phân bón và các hóa chất khác. Điều này gây tác động xấu đến môi trường, đất và nguồn nước. Trong khi đó Đồng bằng sông Cửu Long gần như không còn dư địa để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp và nâng cao năng suất với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay.
Do đó, để đáp ứng phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp cho Đồng bằng sông Cửu Long rất cần ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mà cơ bản nhất là cơ giới hóa vào quá trình sản xuất, tăng cao giá trị sản phẩm, tạo ra sự đa dạng về chủng loại, mặt hàng sản phẩm, tận dụng và chuyển đổi tối đa nguồn phụ phẩm trong quá trình sản xuất giúp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.
Ông Nguyễn Thế Hà, Giám đốc đầu tư Công ty TNHH Cơ khí Bùi Văn Ngọ cho rằng, để đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản cần phải có giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí trong nước bởi máy móc, thiết bị nông nghiệp nhập ngoại giá thành rất cao.
Theo đó, Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp cho việc nghiên cứu, phát triển thiết bị, máy móc, công nghệ mới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, giảm bớt những thủ tục hành chính trong việc xét hỗ trợ nghiên cứu. Đồng thời có cơ chế để khuyến khích trường, viện liên kết với doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, chế tạo và thương mại hóa các sản phẩm cơ khí nông nghiệp, tạo nên hệ sinh thái cho ngành cơ khí hỗ trợ nông nghiệp phát triển và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của người dân.
Theo ông Nguyễn Thế Hà, nếu sản xuất manh mún với quy mô vài ngàn mét vuông, vài ha đất thì rất khó để áp dụng cơ giới hóa trong gieo trồng, thu hoạch. Vì vậy, muốn đẩy mạnh ứng dụng cơ giới, công nghệ trong nông nghiệp phải thay đổi chính sách về đất đai, định hướng sản xuất quy mô lớn và đồng bộ. Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bởi lực lượng lao động vùng nông thôn dồi dào nhưng chưa được đào tạo để vận hành máy móc, thiết bị cơ giới.
Chỉ khi ngành cơ khí hỗ trợ nông nghiệp phát triển, quy hoạch sản xuất hợp lý và nguồn lao động có đủ trình độ, kỹ năng vận hành thì mới thúc đẩy được việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp từ đó nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.